dieu.gif (1453 bytes)   Các nhà văn, nhà thơ, những nhân vật có tên tuổi trong xã hội, trong văn chương bên cạnh những kiệt tác để đời còn có những giai thoại lý thú nói riêng về họ. Chính vì vậy, giai thoại văn học là một loại văn chương vừa có tính chất bác học, lại vừa có tính chất truyền miệng, mang trong cốt cách của nó nhiều nét dân tộc độc đáo đầy sức hấp dẫn.

   Vào thứ Bảy hàng tuần, chuyên "Giai thoại Văn học" của NetCodo xin giới thiệu với bạn đọc một số giai thoại chọn lọc bổ ích và thú vị.

   Mời bạn đọc cùng thưởng thức!

 

Ngự Sử miệng còn hơi sữa.

        Ðoàn Nhữ Hài người làng Trường Tân, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải dương, sinh vào khoảng cuối đời Trần Thánh Tông, thông minh, hoạt bát, tính khí cương trực. Khoảng niên hiệu Hưng Long đời Trần Anh Tông (1293- 1314), ông còn trẻ lắm, lên kinh sư theo học nhưng chỉ học một mình, không chịu theo một thầy nào.

        Bấy giờ, thượng hoàngTrần Nhân Tông từ Thiên Trường về thăm kinh sư, nhân bất chợt đi xem các cung điện đến cung Vua thì thấy Anh Tông đã nửa ngày còn ngủ mê man, hỏi ra mới biết, Vua uống rượu quá say. Thượng Hoàng giận lắm,lập tức sai xa giá về ngay Thiên Trường, sau khi xuống chiếu cho các quan hai hôm sau phải về Thiên Trường triều hội. Tả hữu túc vệ hoảng sợ quá, chạy vào lay Anh Tông dậy, tâu lại sự việc. Anh Tông không kịp mặc áo, chạy ra khỏi điện để kịp gặp Thượng hoàng, nhưng Nhân Tông đã đi xa lắm rồi. Khi chạy ngang qua chùa Tư Phúc, Vua chạm phải một con trai mải đứng dựa nơi cột ngẫm nghĩ điều gì, thấy Vua đến mà không tránh. Vua đang cuống cuồng, bực bội hỏi:
- "Ngươi là ai? Làm gì ở đây?"
- "Thưa, thần là Ðoàn Nhữ Hài, là học trò đang học!"
- "Sách vở đâu mà bảo là học?"
- "Cần gì phải có sách mới học được?"- Người học trò đáp.
Anh Tông nghe nói thế cũng phì cười, chẳng những không giận, lại dịu dàng hỏi:
- "Ngươi là học trò, vậy có thể làm giúp ta việc này đặng chăng?".
Vua kể lại câu chuyện vừa xảy ra, rồi nói tiếp:
- "Trẫm khổ vì rượu, phải tội với Thượng hoàng. Nay muốn về tạ tội, nhưng về hai tay không thì không dám. Vậy ngươi làm hộ trẫm một bài biểu".
Nhữ Hài điềm nhiên hỏi:
- "Bệ hạ hối hận thực ư?"
- "Sao lại không thực"- Vua đáp
- "Vậy xin được tội, bệ hạ hứa sẽ chừa rượu chăng?"
- "Nhất định là chừa!"
Nhữ Hài xin giấy bút rồi thảo ngay tại chỗ một bài biểu dâng Vua. Vua kén 30 lực sĩ, dùng thuyền nhẹ, đi ngay, lại không quên đem cả Nhữ Hài đi theo. Thuyền đi hai ngày, hai đêm thì tới nơi. Thượng hoàng trông thấy, hỏi:
- "Ai đấy?".
Quan hầu chạy ra hỏi rồi vào tâu:
- "Là người dâng biểu của quan gia!".
Thượng hoàng ngoảnh lưng lại không nói gì. Tới trưa, rồi tới chiều. Chợt có một cơn mưa giông dữ dội, sấm vang sét nổ, mưa đổ như trút. Nhữ Hài vẫn quỳ không nhúc nhích, như là không xảy ra việc gì. Nhân Tông thượng hoàng sực nhớ lại người dâng sớ buổi sáng, liền hỏi:
- "Người ngoài sân còn đấy không?"
Rồi sai lấy tờ biểu vào xem, thấy lời lẽ khẩn khoản, thống thiết, chân thành, cho sai mời Anh Tông vào bảo:
- "Trẫm còn nhiều con, không đứa này nối ngôi thì đứa khác. Kẻ làm Vua không thể rượu chè bê tha như thế. Trẫm đang sống mà còn thế, sau đây thì làm thế nào?"
Anh Tông cúi đầu khóc lóc tạ tội. Thượng hoàng lại hỏi:
- "Người soạn biểu là ai? Ðỗ đạt gì chưa?"
- "Ðó là Ðoàn Nhữ Hài, chỉ là một học trò nghèo"- Vua thưa.
Thượng hoàng lấy làm lạ lắm, cho mời vào và bảo: "Nhà ngươi soạn biểu rất hợp ý trẫm", bèn xuống chiếu cho Vua và trăm quan trở lại kinh sư và dặn Vua cất nhắc cho Nhữ Hài.

       Về đến kinh, Vua liền cho Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. Bấy giờ Ðoàn Nhữ Hài mới có 20 tuổi. Trong triều có kẻ ghen ghét, cho là Nhữ Hài còn quá ít tuổi mà giữ chức Ngự sử là chức can gián Vua và đàn hặc các quan thì còn thể thống gì. Họ truyền cho nhau hai câu thơ:

Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ
Khẩu tồn nhũ xú Ðoàn trung tán...
(Ngự sử tụng truyền câu cổ ngữ
Ðoàn trung tán miệng còn hơi sữa)

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

Scrolll.gif (2603 bytes)


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn